CHUYỂN RỦI RO TRONG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong giao dịch mua bán hàng hóa, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Tuy nhiên, vấn đề xác định rủi ro trong quá trình thực hiện vận chuyển hàng hóa là yếu tố quan trọng để các bên tham gia hợp đồng bảo vệ được tối đa lợi ích của mình. Căn cứ Luật Thương mại 2005, chuyển rủi ro trong mua bán hàng hóa được xác định trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp xác định trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

Trừ trường hợp bên mua đã biết hoặc phải biết về khiếm khuyết của hàng hóa, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật Thương mại, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro.

Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Thứ hai, trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.

Ví dụ: Hai bên thỏa thuận thời điểm bên bán giao hàng và bên mua nhận hàng là 14 giờ ngày 10/09/2019 tại một địa điểm xác định. Đúng 14 giờ ngày 10/09/2019, bên bán đã chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng giao cho bên mua, nhưng tại thời điểm đó, bên mua vẫn chưa tới nhận hàng. Vào 14 giờ 30 phút, trời đổ mưa to, một bộ phận hàng đã bị ngấm nước. Trường hợp này, bên phải chịu rủi ro là bên mua vì đã vi phạm nghĩa vụ nhận hàng.

Cũng ví dụ nêu trên nhưng thời gian giao, nhận hàng được quy định: bên bán giao hàng cho bên mua vào ngày 10/09/2019 và bên mua có quyền nhận hàng vào bất kì thời điểm nào trong ngày 10/09/2019. Vào 14 giờ 30 phút cùng ngày, trời đổ mưa và một bộ phận hàng hóa bị ẩm ướt, lúc này bên bán sẽ là bên phải chịu rủi ro vì tuy bên mua chưa nhận hàng nhưng không bị vi phạm nghĩa vụ nhận hàng, vì thời gian quy định cho việc bên mua nhận hàng chưa hết.

Thứ batrong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Khi trong hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa, thì từ hợp đồng mua bán hàng hóa này sẽ phát sinh thêm một hợp đồng khác: hợp đồng vận chuyển. Tùy vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, mà hợp đồng vận chuyển này có thể do bên bán hoặc bên mua kí kết. Dù cho bên nào thực hiện kí hợp đồng vận chuyển hàng hóa, và qua bao nhiều người vận chuyển, thì rủi ro về mất mát và hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Thứ tư, chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;

– Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.

Thứ năm, chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển:

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Đây là trường hợp có thể xảy ra nhầm lẫn trong cách hiểu và áp dụng cho người đọc, bởi lẽ “hàng hóa đang trên đường vận chuyển” theo quy định của này là đối tượng của hợp đồng mà hai bên kí kết, nó không có vị trí cố định mà đang trên đường vận chuyển khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Chứ không phải là trường hợp hàng hóa đã trở thành đối tượng trong hợp đồng giao kết và đang trong thời gian vận chuyển từ bên bán qua cho bên mua. Rủi ro được chuyển qua cho bên mua trong trường hợp này là ngay khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Minh họa cụ thể cho trường hợp này bằng hai ví dụ sau:

            Ví dụ thứ nhất: Hai bên trong hợp đồng thỏa thuận: bên bán (có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) giao hàng cho bên mua tại kho của bên mua (có trụ sở tại Thành phố Hà Nội). Trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tới Đà Nẵng thì gặp phải sự cố về thời tiết nên hàng bị hư hỏng. Đây không phải là trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển, mà là hàng hóa đã được mua bán và đang trong thời gian vận chuyển. Do bên bán chưa giao hàng đến được địa điểm xác định mà các bên thỏa thuận, nên bên bán sẽ phải gánh chịu rủi ro.

Ví dụ thứ hai: Bên A (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) thỏa thuận bán cho bên B (có trụ sở tại Hà Nội) 10 tấn gỗ và bên A chịu trách nhiệm giao hàng đến kho hàng của bên B tại Hà Nội. Trên đường vận chuyển, đến Phú Yên thì xe hàng của bên A gặp trục trặc vì mưa bão gây ra lũ lụt lớn không thể giao hàng đúng hẹn, đồng thời mưa bão lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng gỗ không đạt yêu cầu bên B đặt ra. Bên A đã thông báo cho bên B biết về điều này, đồng thời bên B cũng đồng ý gia hạn về thời hạn giao hàng để được nhận số hàng như đúng giao kết trong hợp đồng. Lúc này bên C biết tin về số gỗ của bên A hiện có đồng ý mua lại với giá thỏa thuận, bên A đồng ý và hai biến tiến hành ký kết hợp đồng mua bán số gỗ nêu trên. Như vậy, kể từ thời điểm bên A và bên C giao kết hợp đồng, thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng đối với số gia cầm trên được chuyển giao cho bên mua. Đây là trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển.

Thứ sáu, chuyển rủi ro trong các trường hợp khác:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:

– Trong trường hợp không thuộc các trường hợp trên thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng.

– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.