ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập.

1.Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

  1. Có tính mới

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất ký hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Cụ thể:

Nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó thì không được coi là khác biệt đáng kể.

Được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Được coi là không bị mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp được quy định tại khoản 4, điều 66, Luật Sở hữu trí tuệ.

  • Có tính sáng tạo

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

  • Có khả năng áp dụng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

  • Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
  • Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
  • Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước:

+) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan Nhà nước được giao quyền đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

+) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

+) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Lưu ý: Người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

2.Thủ tục bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

– Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

Tờ khai yêu cầu cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo mẫu do Cục SHCN ban hành (2 bản);

 Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện được đầy đủ các góc nhìn của đối tượng cần đăng ký bảo hộ (4 bản)

Viết bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (1 bản);

Tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu kiểu dáng công nghiệp có chứa nhãn hiệu (1 bản)

Giấy ủy quyền

Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động) (1 bản); 

 Chứng từ nộp phí nộp đơn và phí công bố đơn, gồm một (1) bản.

– Thời gian đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

Trong thời hạn từ 12 tháng kể từ ngày nộp đơn nếu không gặp bất cứ sự phản đối nào cũng như đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bảo hộ thì Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho chủ đơn.