CÁC LOẠI THUẾ, LỆ PHÍ DOANH NGHIỆP PHẢI NỘP KHI ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp khi hoạt động

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế thu trên khoản lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý. Tất cả cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập chịu thuế * Thuế suất

Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 đã được sửa đổi bổ sung quy định các mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20 %. Tuy nhiên, đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh. Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ năm 2018, sẽ được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường nêu trên (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017).

Thuế giá trị gia tăng: Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, hiểu đơn giản là phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán sản phẩm, hàng hóa. Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng:

Phương pháp khấu trừ:

Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Phương pháp trực tiếp:

Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa * Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.

Theo đó, thuế suất thuế GTGT đối với các doanh nghiệp dao động ở các mức 0% – 5% – 10% (tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp) theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 đã được sửa đổi bổ sung.

–  Thuế thu nhập cá nhân: Mặc dù thuế thu nhập cá nhân do cá nhân có nghĩa vụ thực hiện nhưng thông thường do doanh nghiệp sử dụng lao động nộp thay cho người lao động. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm.

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN * Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.

Các khoản giảm trừ bao gồm: Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng. Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.

– Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu các loại thuế này. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %; phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp. Thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế xuất khẩu. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường (khoản 1, 2 Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung).

– Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Mặc dù thuế đánh vào người tiêu thụ hàng hóa nhưng lại do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp vì thuế được cộng vào giá bán. Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải đóng loại thuế này theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 đã sửa đổi bổ sung.

– Thuế tài nguyên: Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khai thác tài nguyên theo Điều 2 Luật thuế tài nguyên 2009 đã được sửa đổi bổ sung như: khai thác khoáng sản kim loại, không kim loại, dầu thô… phải nộp thuế tài nguyên.

Tùy vào doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nào mà khi hoạt động, doanh nghiệp đó phải tuân thủ việc nộp các loại thuếtheo yêu cầu.

Các loại phí mà doanh nghiệp phải nộp khi hoạt động

Bên cạnh các loại thuế nêu trên, các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động còn có nghĩa vụ nộp cá loại lệ phí cần thiết.

– Thứ nhất, lệ phí đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp cấp mới, cấp đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng lý doanh nghiệp theo quy định của Thông tư 176/2012/TT-BTC.

– Thứ hai, lệ phí môn bài: kể từ ngày 01/01/2017, “Thuế môn bài” được thay thế bằng “Lệ phí môn bài”. Các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật phải nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên từ năm 2018, theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu.

Việc khai lệ phí môn bài được thực hiện một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm. Trường hợp người nộp phí mới ra hoạt động hoặc mới thành lập thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.