VỢ BỊ TÂM THẦN, CHỒNG CÓ ĐƯỢC BÁN TÀI SẢN CHUNG KHÔNG?

VỢ BỊ TÂM THẦN, CHỒNG CÓ ĐƯỢC BÁN TÀI SẢN CHUNG KHÔNG?

Vợ bị mắc bệnh tâm thần là trường hợp được pháp luật xác định là người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

  1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.”

Như vậy, trong trường hợp này khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì mới được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp Tòa án tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự thì căn cứ khoản 2 Điều 22 BLDS 2015 giao dịch dân sự của người vợ sẽ do người đại diện xác lập, thực hiện. 

Khoản 3, Điều 136, Bộ Luật Dân sự quy định Người đại diện theo pháp luật của cá nhân là người giám hộ đối với người được giám hộ.

Tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.”

Như vậy, người chồng sẽ là người đại diện xác lập thực hiện các giao dịch dân sự của người vợ.

Theo khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Quyền của người giám hộ như sau:

“Điều 58. Quyền của người giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”

Căn cứ theo quy định trên, người chồng được đại diện cho vợ để tham gia các giao dịch bao gồm việc bán tài sản chung vợ chồng nhằm mục đích chăm sóc, chữa bệnh, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người vợ.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 59 Bộ Luật Dân sự quy định việc bán tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Khoản 1 Điều 51 BLDS, người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Người thân thích của người vợ được giám hộ là: chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ. Người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ nếu giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản.

Như vậy, người thân thích của người được giám hộ sẽ thỏa thuận cử người giám sát. Người giám sát người giám hộ (người chồng) có thể là cha, mẹ, con hoặc cá nhân, pháp nhân khác. Trường hợp có tranh chấp về cử người giám hộ thì thì Tòa án sẽ quyết định.