VỢ/CHỒNG NGOẠI TÌNH THÌ BỊ XỬ LÝ RA SAO?

VỢ/CHỒNG NGOẠI TÌNH THÌ BỊ XỬ LÝ RA SAO?

Ngoại tình theo quy định của pháp luật

Trong xã hội hiện nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về những cuộc hôn nhân tan vỡ vì lý do người chồng, người vợ ngoại tình. Ngoại tình được hiểu là các mối quan hệ tình cảm yêu đương, từ cấp độ thấp nhất là có tình cảm giữa hai người với nhau hoặc đến mức cao hơn là họ sống chung như vợ chồng. Một người đang trong mối quan hệ hôn nhân mà có một mối quan hệ tình cảm hoặc sống chung với người khác, đây được xem là một hành động ngoại tình.

Và pháp luật quy định như thế nào về hành vi trên. Căn cứ tại điểm c, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm đối với trường hợp: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”

Như vậy, việc sống chung với một người mà đã có gia đình sẽ vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

**Hình thức xử lý đối với hành vi ngoại tình

Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình

Căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình khi có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  1. b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;”.

Theo quy định Bộ luật Hình sự

Căn cứ theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, để cấu thành tội này cần đáp ứng các căn cứ sau:

  • Khách thể: Xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng được pháp luật Hôn nhân và Gia đình đảm bảo sự toàn vẹn của hôn nhân, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc;
  • Mặt khách quan: Hành vi ở đây là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Nhưng hành vi đó phải dẫn đến hậu quả làm cho quan hệ hôn nhân của một bên hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm;
  • Chủ thể: Người đủ tuổi theo quy định và có năng lực trách nhiệm hình sự;
  • Mặt chủ quan: Tội phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, biết rõ hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra;

Như vậy, ngoài hình thức xử phạt hành chính thì hành vi ngoại tình còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là làm sao chứng minh được người chồng/vợ của mình đang ngoại tình. Việc chứng minh là một điều vô cùng khó khăn bởi ngoại tình căn bản là quan hệ bất chính, lén lút, vụng trộm và rất kín đáo.

Một vài cơ sở để chứng minh có thể là:

  • Thông qua những chứng cứ thu thập được như tin nhắn điện thoại, bản ghi âm, ghi hình thu được ghi lại những cử chỉ, hành động thân mật vượt mức những mối quan hệ bình thường;
  • Hoặc xác định bằng việc có sự sống chung, có tài sản chung công khai hoặc không công khai giữa hai người đó;
  • Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;
  • ………

Vì vậy, tùy vào từng trường hợp mà sẽ lựa chọn các chứng cứ chứng minh sao cho phù hợp nhất.