THỎA THUẬN XÁC LẬP CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

THỎA THUẬN XÁC LẬP CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng là một trong những thủ tục cần thiết cho vợ chồng trước khi bước vào thời kỳ hôn nhân. Để đảm bảo quyền lợi của bản thân cũng như hạn chế mọi rủi ro xảy ra, trước khi kết hôn các bên có quyền THỎA THUẬN xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.

1.    Xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trong trường hợp nào?

Căn cứ vào Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Nam, nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn, xác lập quan hệ vợ chồng;
  • Hai bên thỏa thuận, thống nhất xác lập chế độ tài sản vợ chồng;
  • Thời điểm thỏa thuận xác lập chế độ tài sản là trước khi kết hôn;
  • Thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

2.    Nội dung thỏa thuận

Theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ – CP, vợ chồng có thể thỏa thuận về chế độ tài sản các nội dung sau:

  • Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Vợ chồng có thể thỏa thuận xác định tài sản chung và tài sản riêng cũng như quyền sở hữu tài sản trong nội dung thỏa thuận theo hướng dẫn về xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận;
  • Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản dùng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • Nội dung khác có liên quan.

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn và không vi phạm các trường hợp luật định thỏa thuận vô hiệu.

3.    Hồ sơ đăng ký thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng

Hồ sơ thực hiện công chứng thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng;
  • Dự thảo Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến tài sản đó;
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan mà pháp luật quy định phải có (ví dụ như: hộ khẩu thường trú của hai vợ chồng).

4.    Sửa đổi, bổ sung thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng

Sau khi thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền tự do thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định (Điều 17 Nghị định 126/2014). Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi thay đổi nội dung trong thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.

Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực và có hiệu lực từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5.    Trường hợp thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu

Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu trong các trường hợp sau đây (Điều 15 Luật HNGĐ 2014):

  • Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
  • Vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng;
  • Nội dung thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.