QUYỀN TÁC GIẢ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ

Căn cứ pháp lí: Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009.

1.Quyền tác giả 

là quyền của cá nhân,tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (theo quy định tại Khoản 2 điều 4 luật sở hữu trí tuệ). Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi và bổ sung năm 2009) thì: Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Lí do phải đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Việc chuyển nhượng thực hiện các thủ tục chuyển nhượng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn khi chủ sở hữu muốn chuyển nhượng quyền tác giả, bởi một trong những căn cứ xác thực nhất để người nhận chuyển nhượng tin tác phẩm thuộc sở hữu của tác giả là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. ‎  

Nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó.

3. Điều kiện đăng ký quyền tác giả

Tác phẩm phải được cụ thể hóa trên một loại vật chất nhất định;

Tác phẩm phải có tính nguyên gốc (tác phẩm phải do chính tác giả, trực tiếp sáng tạo, không sao chép, bắt chước tác phẩm khác);

Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả;

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào, tác phẩm phải có tính nguyên gốc, không sao chéo hay bắt chước tác phẩm khác.

4. Đối tượng bảo hộ quyền tác giả

a.Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

– Tác phẩm báo chí;

– Tác phẩm âm nhạc;

– Tác phẩm sân khấu;

– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây được gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

– Tác phẩm tạo hình hay mỹ thuật ứng dụng;

– Tác phẩm nhiếp ảnh;

– Tác phẩm kiến trúc;

– Sơ đồ, bản đồ,hoạ đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

b.Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo các tác phẩm quy định tại mục 1 nếu trên nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

5. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm

– Tin tức thời sự thuần túy đưa tin;

– Văn bản quy phạm pháp luật;

– Văn bản hành chính;

– Các văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó;

– Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

6. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

♣ Các quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm được bảo hộ vô thời hạn.

♣ Quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm và các nội dung của quyền tài sản được bảo hộ theo thời hạn như sau:

– Đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm. 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình.

– Các tác phẩm không thuộc loại hình trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết

– Đối với tác phẩm khuyết danh, khi thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm sau năm tác giả chết.

7. Các trường hợp sử dụng các tác phẩm đã công bố không phải xin phép

Một số trường hợp chúng ta được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép. Có trường hợp phải trả tiền và có trường hợp miễn phí.

Các trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

– Trích dẫn hợp lí tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Việc sử dụng các tác phẩm này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, cũng như không được gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền TG; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

8. Các trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Việc sử dụng này cũng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu (quyền TG); phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Và trường hợp này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu liên quan cư trú hoặc có trụ sở.

9. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, khi thực hiện thủ tục, Hồ sơ đăng kýquyền tác giả và các quyền liên quan quyền tác giả gồm có;

a. 01 tờ khai đăng ký quyền tác giả/ quyền liên quan

b. 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan

Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh, bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

c. Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền);

d. Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ,

nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

e. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả nếu tác phẩm có đồng tác giả;

f. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, e, f cần được làm bằng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp được làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/ chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao thì phải được công chứng/ chứng thực.

Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký quyền tác giả

Kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

10. Các trường hợp cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận

a. Cấp lại, đối Giấy chứng nhận

Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất; đổi Giấy chứng nhận trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

b. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận

Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ, hoặc việc cấp Giấy chứng nhận trái với quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ.