THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì cha, mẹ trẻ – có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn.

Trong trường hợp con  đã đủ 7 tuổi  thì căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 84 luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn phải xem xét đến yếu tố là nguyện vọng của con. Tức là, tòa án ngoài việc căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của trẻ (điều kiện tiên quyết để quyết định giao con cho bên nào nuôi), còn xem xét nguyện vọng của đứa bé muốn ở với ai.

Trường hợp cả cha và mẹ đều chứng minh được mình đủ khả năng nuôi dưỡng, tòa sẽ xem xét đứa bé có nguyện vọng sống với ai để quyết định người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc bé.

Ngược lại, trường hợp con muốn ở với cha nhưng cha không không thể chứng minh đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con; hoặc con không muốn ở với cha nhưng cha lại có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn rất nhiều so với mẹ, thì tòa án không căn cứ vào nguyện vọng của trẻ mà sẽ dựa vào việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của trẻ để quyết định giao con cho bên có điều kiện sống và học tập tốt nhất cho trẻ.

Tài liệu cần chuẩn bị để khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

Ngoài đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn, cần phải có cơ sở chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp bằng cách nộp kèm các tài liệu sau: quyết định, bản án ly hôn (bản chính); chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của người có đơn khởi kiện (bản sao); giấy khai sinh của con (bản sao); chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con; giấy xác nhận thu nhập của nơi làm việc (nếu có).

Trong đó, chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (cụ thể là vợ/chồng cũ không có điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…) có thể hiểu gồm các yếu tố:

– Điều kiện kinh tế: có việc làm, thu nhập và chỗ ở ổn định. Các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập của cha mẹ.

– Điều kiện sống: nơi cư trú của cha/mẹ phải ổn định, đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng và học tập, vui chơi cho con.

– Điều kiện nhân thân: có lối sống lành mạnh, tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, sống gương mẫu; có thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục nhân cách và đạo đức cho con.

Như vậy, nếu vợ/ chồng cũ không đáp ứng được một hoặc một số điều kiện nêu trên, tức là không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thì người khởi kiện phải cung cấp cho tòa án các chứng cứ mình có được để chứng minh vấn đề này. Ví dụ: chứng minh mức thu nhập của vợ/ chồng cũ không ổn định, không đủ để chi trả cho cuộc sống gia đình và nuôi dưỡng, chăm sóc con; chứng minh về việc vợ/chồng cũ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi chỗ ở và trường học cho con; chứng minh đặc thù công việc của vợ/chồng  không có đủ thời gian quan tâm, chăm sóc con; vợ/chồng cũ có những hành vi không gương mẫu có thể gây ảnh hưởng đến con…

Ngoài ra, người khởi kiện cần chứng minh mình có đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con tốt hơn như: có điều kiện về tài chính hơn so với vợ/chồng  cũ, có nơi cư trú ổn định, chấp hành tốt pháp luật và có lối sống gương mẫu…