XỬ LÍ TÀI SẢN TRONG TRƯỜNG HỢP MẸ ĐÃ CHẾT, BỐ MẤT TÍCH NHIỀU NĂM LIỀN

Vì tài sản thuộc quyền sở hữu chung của bố mẹ bạn nên có hai vấn đề cần giải quyết là:

(i) Đối với phần tài sản của mẹ bạn: Vì mẹ bạn đã chết nên tài sản của mẹ bạn được xác định là di sản thừa kế của mẹ bạn và được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

(ii) Đối với phần Tài sản của bố bạn: Vì bố bạn đã mất tích nên thủ tục sẽ phức tạp hơn.

Căn cứ vào thời gian mà bố bạn mất tích sẽ có các hướng giải quyết sau:

Gia đình bạn có thể làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố một người đã mất tích hoặc tuyên bố một người đã chết theo quy định của pháp luật dân sự. Với mỗi trường hợp thì hậu quả pháp lý và quan hệ về tài sản sẽ được quy định khác nhau. Cụ thể:

a. Tuyên bố một người mất tích

* Căn cứ yêu cầu tuyên bố một người mất tích: Ðiều 68 Bộ luật Dân sự quy định: Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

* Trình tự, thủ tục tuyên bố một người mất tích:

– Nộp đơn: Gia đình bạn nộp đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích theo điều 387 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trong trường hợp trước đó đã có quyết định của Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

– Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích theo điểm b khoản 2 điều 39 bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Thủ tục giải quyết: căn cứ điều 388 bộ luật tố tụng dân sự 2015: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.

Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

* Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích: Theo quy định tại Điều 69 bộ luật dân sự 2015 người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này. Theo quy định nêu trên, nếu gia đình bạn làm thủ tục yêu cầu tòa tuyên bố bạn đã mất tích thì phần tài sản của bố bạn sẽ không được chuyển quyền cho bất kỳ ai.

b. Tuyên bố một người là đã chết

Căn cứ theo điều 71 bộ luật dân sự 2015 thì:

Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

* Trình tự, thủ tục tuyên bố một người là đã chết:

Điều 391 Bộ luật dân sự 2015: Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 392 Bộ luật dân sự 2015:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.

Nội dung thông báo, việc công bố thông báo và thời hạn thông báo được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 388 của Bộ luật này.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

* Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết (Điều 72 Bộ luật dân sự 2015)

Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Như vậy, gia đình bạn có thể làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố việc bố bạn là đã chết theo quy định nêu trên. Tài sản thuộc quyền sử dụng/ sở hữu của bố bạn sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

* Người thừa kế: Nếu mẹ bạn để lại di chúc thì phần di sản của mẹ bạn được chia cho những người được chỉ định trong di chúc. Nếu mẹ bạn không để lại di chúc thì phần di sản đó được chia cho những người thừa kế theo Điều 651, 660 Bộ luật Dân sự 2015. Phần di sản thừa kế của bố bạn cũng được chia cho những người thừa kế theo Điều 651, 660 Bộ luật Dân sự 2015. Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.