HÀNH VI PHÁT TÁN HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÍ NHƯ THẾ NÀO?

– Người nào có hành vi đánh cắp dữ liệu camera trong nhà người khác hay có hành vi xâm nhập ăn cắp dữ liệu nào khác rồi phát tán hình ảnh nhạy cảm của người đó lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:

1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;

c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Ngoài ra nếu việc phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ còn bị truy cứu thêm tội Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; trường hợp phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Ngoài hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

– Theo điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho nạn nhân. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở (hiện hành là không quá 14,9 triệu đồng).

– Như vậy, đối với người có hành vi xâm phạm này  ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự còn có thể phải chịu trách  nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó bị xâm phạm  một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải  gánh chịu.