TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI?

1. Khái niệm, cơ sở của TNHS đối với PNTM phạm tội

Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quan niệm PNTM là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. PNTM bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt PNTM được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, Điều 8 BLHS năm 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc PNTM thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Do đó, dưới góc độ khoa học luật hình sự, khái niệm đang đề cập được định nghĩa như sau: PNTM phạm tội là PNTM thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể được BLHS ghi nhận, bảo vệ mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở này, khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 đã quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam, quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với PNTM đã được ghi nhận, đồng thời đây chính là “tuyên bố” mang tính nền tảng, tiền đề để các nhà làm luật quy định những vấn đề khác trong nội dung TNHS đối với pháp nhân của BLHS năm 2015. Nhấn mạnh hơn, về vấn đề này, rõ ràng “hành vi, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Như vậy, lý thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm được các nhà lập pháp Việt Nam quy định là cơ sở quy định TNHS của PNTM” .


2. Nguyên tắc xử lý đối với PNTM phạm tội

Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định năm nguyên tắc xử lý đối với PNTM phạm tội bên cạnh xử lý đối với người phạm tội như sau:
“2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;

c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.”

Ngoài ra, cần lưu ý, kể cả PNTM nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng có thể bị truy cứu TNHS theo quy định của BLHS năm 2015 trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên (Điều 6 BLHS 2015).

Trong BLHS 2015, lần đầu tiên pháp nhân thương mại được đưa vào các thiết chế hình sự với tư cách là chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù riêng của loại chủ thể này, nên việc xác định phạm vi các tội phạm mà chủ thể này thực hiện có những đặc trưng riêng. Theo đó, chủ thể này không thể là chủ thể của tội phạm về chức vụ hay nhóm tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người được…

Theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015 thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm sau đây:

– Một số tội xâm phạm trật tự quả lý kinh tế: Điều 188 (tội buôn lậu), Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều191 (tội tàng chữ, vận chuyển hàng cấm), Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả), Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm), Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi), Điều 196 (tội đầu cơ), Điều 200 (tội trốn thuế), Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước), Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán), Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán), Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán), Điều 213 (tội gian lân trong kinh doanh bảo hiểm), Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động), Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh), Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan), Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Điều 227 (tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên), Điều 232 (tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản), Điều 234 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã);

– Một số tội phạm về môi trường: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường), Điều 237 (tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường), Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông),Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam), Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản), Điều 243 (tội hủy hoại rừng), Điều 244 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm), Điều 245 (tội vi phạmquy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên), Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại),

– Một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng: Điều 300 (tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (tội rửa tiền).

Như vậy, theo quy định của BLHS, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu trong hai lĩnh vực: tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường. Ngoài ra, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiêm hình sự về tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. Việc quy định phạm vi trách nhiệm hình sự như vậy đối với pháp nhân thương mại là hợp lý từ góc độ thực tiễn tình hình vi phạm và các công ước quốc tế về chống tửa tiền và chống khủng bố mà Việt Nam tham gia; đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm hiện nay ở nước ta.

Trong BLHS 2015 quy định 33 tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong các điều luật cụ thể nêu ở phần trên, thì quy định đối với pháp nhân thương mại thường được thiết kế tại khoản cuối cùng của điều luật thành một khoản tách bạch so với các quy định đối với cá nhân phạm tội. Và do các dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với cá nhân và pháp nhân thương mại giống nhau, cho nên trong các điều luật này cũng chủ yếu quy định chế tài đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Phân tích chế tài các điều luật quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

– Một là, phạt tiền là hình phạt chính được quy định trong 100% chế tài. Tội phạm càng nghiêm trọng thì mức phạt tiền càng tăng;

– Hai là, trong nhiều chế tài, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cũng được quy định là hình phạt chính. Còn đình chỉ hoạt động có thời hạn hầu như không được quy định;

– Ba là, các hình phạt bổ sung cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn được quy định hầu như trong 100% chế tài. Phạt tiền cũng được quy định là hình phạt bổ sung trong nhiều trường hợp nếu hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được áp dụng…