MỨC PHẠT KHI CHẬM BÁO TĂNG, GIẢM LAO ĐỘNG

Mức phạt khi chậm báo tăng lao động

Trường hợp doanh nghiệp chậm báo tăng lao động dẫn đến việc chậm đóng, đóng thiếu bảo hiểm cho người lao động sẽ bị coi là vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc.

Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 12 – 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng nếu có một trong các hành vi:

– Chậm đóng BHXH bắt buộc;

– Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

– Đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia mà không phải là trốn đóng.

Mức phạt khi chậm báo giảm lao động

Tính đến thời điểm hiện tại, không có mức phạt nào cho doanh nghiệp chậm báo giảm lao động. Tuy nhiên, theo Công văn số 1734/BHXH-QLT, doanh nghiệp vẫn phải chịu một số trách nhiệm như:

– Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng giảm thì phải phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ có giá trị sử dụng hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ các trường hợp báo giảm.

– Nếu để không đóng bổ sung giá trị thẻ BHYT tháng sau thì doanh nghiệp có thể lập hồ sơ báo giảm tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước, nhưng sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước.

Ví dụ:

Người lao động thôi việc ngày 29/4/2020.

Nếu doanh nghiệp báo giảm vào ngày 01/5/2020 thì phải đóng bổ sung giá trị thẻ BHYT tháng 5/2020 và thẻ được sử dụng đến 31/5/2020.

Nếu báo giảm vào ngày 28/4/2020 thì chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động đến tháng 4/2020 và người lao động được sử dụng thẻ BHYT đến 30/4/2020.

Lưu ý: Sau khi lập hồ sơ tháng 5/2020 thì doanh nghiệp không được lập hồ sơ tháng 4/2020 trong các ngày còn lại của tháng 4/2020.