THẾ NÀO LÀ CHO VAY NẶNG LÃI?

cho vay nặng lãi
cho vay nặng lãi

Điều 468 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) quy định về Lãi suất vay như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng. Phần lãi suất vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 khi phát sinh tranh chấp sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho người vay.

Tuy nhiên, tùy trường hợp mà hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính: Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự – an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. 

Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 Sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, theo quy định tại Điều 468 BLDS và Điều 201 BLHS nêu trên, để xử lý hình sự người có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cần hội đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, giao dịch thuộc đối tượng xem xét phải là giao dịch dân sự, không bao hàm các quan hệ, giao dịch khác. Vì chính Điều 201 BLHS đã quy định đây là “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Thứ hai, lãi suất cho vay trong giao dịch (các giao dịch) dân sự phải gấp từ 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất do BLDS quy định.

BLDS quy định mức lãi suất tối đa là 20%/năm, gấp 05 lần là 100%/năm. Như vậy, theo quy định tại Điều 468 BLDS và Điều 201 BLHS nêu trên, thì các giao dịch vay tiền mà lãi suất từ 20%/năm trở xuống là giao dịch có lãi suất hợp pháp; các giao dịch có lãi suất từ trên 20%/năm đến dưới 100%/năm là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp, nhưng chưa đến mức bị xử lý về hình sự. Nên chỉ các giao dịch có lãi suất từ 100%/năm trở lên mới thuộc đối tượng để xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cần lưu ý, khoản 1 Điều 468 BLDS còn quy định: “…trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và “Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Như vậy, mức lãi suất cao nhất được quy định trong BLDS nêu trên (20%/năm) còn bị ràng buộc và có thể thay đổi khi Nhà nước có các quy định khác liên quan đến lãi suất cho vay hoặc do Quốc Hội điều chỉnh theo đề nghị của Chính Phủ. Do vậy, trong mọi trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn, trước khi khởi tố bắt buộc phải trưng cầu giám định tại hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các nội dung:

  • Lãi suất cao nhất theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xác lập giao dịch cho vay; thời điểm trả lãi là bao nhiêu phần trăm/tháng, năm? (nếu quy định của Nhà nước từ 20%/năm trở xuống, thì áp dụng theo quy định tại Điều 468 của BLDS; nếu trên 20%/năm, thì phải áp dụng theo các quy định, mức điều chỉnh mới này của Nhà nước để xác định lãi suất trong hợp đồng vay có đủ từ 05 lần trở lên không).
  • Lãi suất tại các giao dịch dân sự do các bên thực hiện là bao nhiêu phần trăm/năm; bao nhiêu phần trăm/tháng?  so với lãi suất cao nhất Nhà nước quy định tại cùng thời điểm đã vượt quá bao nhiêu phần trăm? (vì thực tế các đối tượng cho vay lãi nặng có nhiều cách tính lãi, theo nhiều mức, nhiều thời điểm khác nhau, nên cần thiết phải để cơ quan chuyên môn xác định cho chính xác).

Thứ ba, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Để xác định chính xác điều kiện này, cần lưu ý:

  • Trong mọi trường hợp chỉ xác định các giao dịch thuộc đối tượng để xem xét xử lý về hình sự là các giao dịch có lãi suất từ 100%/năm trở lên, nên các khoản thu lợi bất chính để xử lý hình sự chỉ được xác định là các khoản thu lợi bất chính từ các giao dịch có lãi suất từ 100%/năm trở lên, không bao hàm các khoản thu lợi bất chính từ các giao dịch hợp pháp (20%/năm trở xuống) hay các giao dịch có mức lãi chưa đến mức xử lý hình sự (trên 20%/năm đến dưới 100%/năm).
  • Số tiền trên phải là các khoản thu lợi bất chính mà người cho vay đã thực thu từ người đi vay, chứ không phải là tính đơn thuần trên hợp đồng hay thỏa thuận. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”, nên người vay có quyền không thực hiện việc trả số lãi vượt quá này, và vì là “thu lợi bất chính”, nên phải là đã được thu về, được hưởng lợi bất chính. Cũng chính vì vậy, nên khi người cho vay đã thu số lãi vượt quá ở các giao dịch này, thì phần lãi suất từ trên 20%/năm trở lên được xác định là khoản thu lợi bất chính. Do đó, quá trình điều tra phải xác định giao dịch nào đã thực hiện xong, giao dịch nào đã thực hiện được một phần và giao dịch nào chưa thực hiện, để tính chính xác số tiền mà người cho vay đã thực thu của người đi vay.
  • Bên cạnh đó, phải xác định chính xác các nguồn thu lợi bất chính, chúng không đơn thuần chỉ là phần lãi suất cao vượt quá quy định Nhà nước, mà bao gồm cả các khoản thu trái pháp luật khác do các đối tượng cho vay lãi nặng tự đặt ra buộc người vay phải trả, như: phí giao dịch (chi phí đi thu tiền hàng tháng, hàng ngày…), các khoản tự đặt ra để phạt người vay..vv…

Như vậy, có thể kết luận rằng: các giao dịch dân sự vay tiền quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS chỉ là các giao dịch có lãi suất cao gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất do Nhà nước quy định (có thể là trong BLDS hoặc trong các quy định khác của Nhà nước) và số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, chính là số tiền người cho vay đã thực thu của người vay, bao gồm: tiền lãi vượt quá 20%/năm (hoặc có thể cao hơn 20%/năm do Nhà nước quy định ở từng thời điểm) + Số tiền phụ thu trái pháp luật từ các giao dịch trên.

Xem thêm: Vay tiền qua mạng và những điều cần biết http://tuvanphannguyen.com/2019/09/10/vay-tien-qua-mang-va-nhung-dieu-can-biet.html