NỢ RIÊNG, NỢ CHUNG ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO KHI LY HÔN?

Làm thế nào để xác định nợ chung, nợ riêng

Trước hết chúng ta cần xem xét đến mục đích phát sinh các nghĩa vụ của vợ, chồng hoặc của cả hai vợ chồng, đây là cơ sở đầu tiên quan trọng nhất để xác định các khoản nợ là nợ chung hay nợ riêng. Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng và khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân về gia đình quy định về nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì trong trường hợp mục đích phát sinh nợ là vì đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, nhu cầu thiết yếu của gia đình như: chi phí ăn uống cho gia đình, chi phí học tập của các con, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, xây dựng và sửa chữa nhà ở,… Do đó, nếu vợ hoặc chồng tự mình vay các khoản nợ nhằm mục đích trên thì dù biết hay không, có thỏa thuận trước hay không cả hai vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm. Trường hợp khoản vay không dùng vào mục đích trên mà dùng vào mục đích, nhu cầu cá nhân của vợ hoặc chồng như: đầu tư kinh doanh riêng, mua bán các vật dụng sử dụng cá nhân, ăn chơi sa đọa, cờ bạc rượu chè,… và có chứng cứ chứng minh việc những khoản vay này không được đưa vào sử dụng chung thì người còn lại không có nghĩa vụ liên đới đối với khoản vay đó.

Nợ chung được xác định cụ thể thế nào khi ly hôn

Như phân tích trên trường hợp khoản nợ phát sinh nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì sẽ được xác định đây là nợ chung. Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thì vợ chồng có trách nhiệm liên đới trong các nghĩa vụ chung về tài sản như: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường. Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về giải quyết nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn thì nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn. Dựa vào các quy định trên, nếu xác định các khoản nợ thuộc một trong các trường hợp này thì chắc chắn đây là nợ chung và dù một bên có biết việc phát sinh khoản nợ này hay không thì vẫn sẽ phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ của cả hai vợ chồng ngay cả sau khi ly hôn.

Nợ riêng được xác định cụ thể thế nào khi ly hôn?

Dựa vào các căn cứ nêu trên cũng xác định được khoản nợ riêng dẫn đến nghĩa vụ tự trả nợ (không phát sinh trách nhiệm liên đới) của một trong hai vợ, chồng. Theo đó, các khoản nợ không do hai bên cùng thỏa thuận mà do một bên tự ý xác lập thuộc các trường hợp sau thì có thể được xác định là nợ riêng: không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật; không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp này, người trực tiếp xác lập giao dịch với bên thứ ba phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoản nợ này và đồng thời không được dùng tài sản chung vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ đó. Do đó, sau khi ly hôn thì người xác lập khoản nợ này phải tự mình dùng tài sản riêng để chịu trách nhiệm với bên thứ ba mà không phát sinh bất kì nghĩa vụ nào của người còn lại với bên thứ ba.

Tùy vào mục đích phát sinh các khoản nợ mà xác định khoản nợ chung, nợ riêng. Từ đó đặt ra vấn đề xác định người thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba, một trong hai vợ chồng sẽ chịu trách nhiệm riêng biệt hay cả hai vợ chồng cần có trách nhiệm liên đới thực hiện và tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ này là tài sản chung hay tài sản riêng.