KHỞI KIỆN YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là một trong những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế:

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

– Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Về thẩm quyền giải quyết theo phân cấp thẩm quyền: Toà án nhân dân cấp quận (huyện, thành phố trực thuộc tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản. Trường hợp tranh chấp về thừa kế tài sản có yếu tố nước ngoài như có đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Toà án nhân dân cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương).

Về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ: Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết có thể là Toà án có trụ sở ở một trong các địa điểm lãnh thổ sau:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc;

Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân

Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Thành phần hồ sơ chuẩn bị khởi kiện:

  • Đơn khởi kiện (theo mẫu).
  • Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế.
  • Di chúc.
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
  • Bản kê khai di sản.
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản.
  • Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có).

Sau đó, người có yêu cầu gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền. Sau khi nhận đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án.

Như vậy, nếu muốn đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong việc phân chia di sản thừa kế, giải quyết các tranh chấp đang xảy ra thì bạn cần tiến hành nộp đơn, thu thập chứng cứ gửi đến Tòa án nơi có thẩm quyền để được giải quyết, nhận phần di sản thừa kế mà mình đáng được hưởng.