ĐÃ CHIA THỪA KẾ MÀ CÓ NGƯỜI THỪA KẾ MỚI THÌ GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

Người thừa kế mới được hiểu là những người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản đã được phân chia (đối với phần di sản được giải quyết theo pháp luật), bao gồm những người sau đây:

  • ​Con của người để lại di sản sinh ra và còn sống sau thời đỉểm di sản thừa kế được phân chia (trong trường hợp thai đôi, thai ba .. nhưng thời điểm phân chia di sản chỉ xác định thai một)
  • Người được tòa án xác nhận là con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản nhưng quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản.
  • Con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản đã bị tòa án tuyên bố là đã chết trước thời điểm người để lại chết có tin tức xác thực là còn sống hoặc đã trở về sau thời điểm phân chia di sản.

Nếu di sản được chia cho hàng thừa kế thứ hai và thứ ba , thì người thừa kế mới ở các hàng thừa kế này được xác định như trên.

Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới như thế nào?

Điều 662 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới như sau:

Thứ nhất, trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai, trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ ba, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
  • Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Thứ tư, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thứ năm, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, trong trường hợp đã chia đất theo thừa kế mà lại xuất hiện người thừa kế mới thì người này có quyền khởi kiện chia di sản sau thừa kế. Nếu người thừa kế mới khởi kiện thừa kế trong thời gian này thì những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người này một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận.

Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu chia lại thừa kế

Đối với tranh chấp chia thừa kế khi xuất hiện người thừa kế mới, thủ tục giải quyết tranh chấp theo khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau:

  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp. Ngoài ra trong trường hợp khởi kiện có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất tranh chấp.
  • Khi nộp Đơn khởi kiện, người khởi kiện cần đính kèm những tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Ngoài ra, người khởi kiện cần lưu ý đến vấn đề nộp tiền Tạm ứng án phí để đáp ứng điều kiện Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án, tránh trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 146, Điều 192 BLTTDS 2015.
  • Sau đó, Tòa án sẽ tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử như: mở phiên hòa giải, phiên họp, kiểm tra, giao nộp và tiếp cận công khai chứng cứ, … Trường hợp không hòa giải được thì tiến hành xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm.