KHI PHẠM NHIỀU TỘI THÌ HÌNH PHẠT ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

Hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất do Tòa án quyết định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội. Không chỉ vậy, hình phạt còn giáo dục người phạm tội ý thức hơn trong việc tuân thủ pháp luật, ngăn họ phạm tội mới, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.  Trong thực tế, có nhiều trường hợp người phạm tội cùng lúc thực hiện nhiều tội phạm, hoặc thực hiện các tội phạm khác nhau nhưng chưa được đưa ra xét xử, vậy khi xét xử hình phạt của những tội phạm này sẽ được tính như thế nào?

Điều 55 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

“Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

2. Đối với hình phạt bổ sung:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.”

Nguyên tắc và cách thức tổng hợp hình phạt là một vấn đề hết sức quan trọng và không thể bỏ qua khi bàn về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Về cách thức tổng hợp, trong trường hợp phạm nhiều tội, trước khi tổng hợp và quyết định hình phạt chung cho các tội thì Tòa án phải quyết định hình phạt cho từng tội. Việc tuyên hình phạt cho từng tội sau đó mới tổng hợp thành hình phạt chung có các ý nghĩa sau:

Thứ nhất, chính việc tuyên hình phạt cho từng tội đảm bảo cho hình phạt được tuyên tương xứng với từng tội bị cáo đã thực hiện như vậy hình phạt chung sau khi được tổng hợp từ các tội sẽ là hình phạt xứng đáng mà bị cáo phải chấp hành. Khi đó bị cáo sẽ “tâm phục”, “khẩu phục’’ để chấp hành hình phạt và như vậy mục đích của hình phạt mới có thể đạt đựơc.

Thứ hai, chỉ khi quyết định hình phạt cho từng tội đúng thì Toà án mới có thể tổng hợp đúng. Như vậy, việc quyết định hình phạt cho từng tội là bước tạo tiền đề cho Toà án trước khi tiến hành tổng hợp hình phạt cho các tội.

Thứ ba, việc quyết định hình phạt cho từng tội tạo cơ sở pháp lý cho Toà án cấp trên phát hiện những sai sót trong quá trình xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án của Toà án cấp dưới đồng thời nó cũng là cơ sở để xem xét việc áp dụng các chế định khác như chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm…

Sau khi tuyên hình phạt riêng cho từng tội, Toà án sẽ quyết định và tuyên hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá giới hạn luật quy định đối với từng loại hình phạt. Hình phạt chung là sự đánh giá toàn diện và đầy đủ nhất đối với tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo đã thực hiện do đó mức phạt phải tương xứng với toàn bộ các tội mà bị cáo đã phạm. Nếu hình phạt chung được tổng hợp không đúng sẽ làm mất ý nghĩa của việc quyết định hình phạt đối với từng tội và do vậy sẽ không đạt được mục đích của hình phạt. Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Đó là nguyên tắc thu hút, nguyên tắc cộng hình phạt và nguyên tắc cùng tồn tại.

Về nguyên tắc cộng hình phạt, nguyên tắc cộng hình phạt có hai trường hợp: nguyên tắc cộng toàn bộ và nguyên tắc cộng một phần. Nguyên tắc cộng toàn bộ là nguyên tắc cho phép cộng toàn bộ các hình phạt thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi có thể và cần thiết phải cộng toàn bộ các hình phạt với nhau (hình phạt chung sau khi đã cộng không vượt giới hạn mà luật cho phép đối với loại hình phạt đó). Nguyên tắc cộng một phần là nguyên tắc cho phép cộng hình phạt cao nhất với một phần hình phạt còn lại thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi, không thể cộng toàn bộ được vì mới cộng một phần với hình phạt nặng nhất đã đạt mức tối đa cho phép của loại hình phạt này. Ví dụ: A bị Toà án tuyên phạt 20 năm tù về tội cướp tài sản, 15 năm tù về tội cướp giật tài sản. Trong trường hợp này, hình phạt chung mà bị cáo A phải chấp hành là 30 năm tù. Tổng cộng hình phạt đúng ra A phải chịu mức tù là 35 năm nhưng vì hình phạt chung không được quá 30 năm nên Toà án chỉ có thể cộng 20 năm tù của tội cướp tài sản với 10 năm tù của tội cướp giật tài sản thì đã đạt mức tối đa cho phép là 30 năm. Ví dụ khác: A phạm tội gây rối trật tự công cộng và tội chống người thi hành công vụ Tòa tuyên phạt 02 năm cải tạo không giam giữ đối với tội gây rối trật tự công cộng và phạt 03 năm tù về tội chống người thi hành công vụ. Hình phạt chung mà bị cái A phải chấp hành là: 03 năm 08 tháng 04 ngày tù. Trường hợp A bị tuyên phạt 03 cải tạo không giam giữ đối với tội chống người thi hành công vụ thì tổng hợp hình phạt mà A phải chấp hành là: 03 năm cải tạo không giam giữ.

Về nguyên tắc thu hút, theo nguyên tắc thu hút, hình phạt chung là hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên. Nguyên tắc này được áp dụng trong trường hợp không thể cộng hết các hình phạt lại với nhau do có một trong các hình phạt đã tuyên là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt hay do các hình phạt không thể cùng chấp hành. Ví dụ: Bị cáo B phạm tội hiếp dâm và tội giết người. Toà án tuyên tử hình đối với tội giết người và 10 năm tù với tội hiếp dâm. Hình phạt chung trong trường hợp này là tử hình. Ví dụ khác: Bị cáo C phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác và tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Toà án tuyên hình phạt tù chung thân đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác “và 5 năm tù với tội “huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Trong trường hợp này, hình phạt chung là tù chung thân.

Về nguyên tắc cùng tồn tại, nguyên tắc cùng tồn tại được áp dụng khi không áp dụng được hai nguyên tắc trên. Tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc này sẽ không có hình phạt chung cho tất cả các tội mà chỉ có việc phải chấp hành đồng thời các hình phạt. Ví dụ: Bị cáo D phạm tội buôn lậu và tội chống người thi hành công vụ. Toà án tuyên phạt 50 triệu đồng về tội “buôn lậu” và phạt 3 năm tù về “tội chống người thi hành công vụ”. Trường hợp này bị cáo phải chấp hành đồng thời cả hai hình phạt trên.