ÁN LỆ

Việc lựa chọn nguồn luật để giải quyết vụ việc, vụ án trong tất cả các lĩnh vực được áp dụng theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, khi các vụ án, vụ việc có tính chất tương tự xảy ra, các tình tiết, sự kiện pháp lý của vụ án đang giải quyết tương tự các vụ án mà Tòa đã giải quyết và bản án đã có hiệu lực thì Tòa án sẽ áp dụng bản án đó để giải quyết, hình thức áp dụng luật này được gọi là án lệ. Và được xem là một trong các nguồn của luật. Vậy án lệ là gì?

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Đặc điểm của án lệ:

  •  Án lệ do thẩm phán tạo ra trong quá trình xét xử, không phải khi tòa án xét xử bất kỳ vụ việc nào cũng đều tạo ra án lệ khi các vụ việc liên quan đến vấn đề pháp lý cần giải quyết bằng pháp luật mà chưa có quy tắc tiền lệ. Lúc này tòa án mới tạo ra án lệ khi giải quyết những vụ việc này.
  • Án lệ được hình thành phải mang tính mới;
  • Kỹ thuật xây dựng và vận hành là dựa vào yếu tố tương tự. Khi tòa án giải quyết vụ việc đầu tiên chỉ tạo ra hình mâu hay phác thảo nên một quy tắc chứ chưa phải là một quy tắc hoàn hảo, một quy tắc hay nguyên tắc án lệ được hình thành phải trải qua hàng loạt các vụ việc tương tự về sau. Các thẩm phán sau này khi giải quyết một vụ việc cần phải xác định và đánh giá lý lẽ tương tự, nếu vụ việc này tương tự thì sẽ áp dụng lý lẽ trong bản án trước để giải quyết vụ việc hiện tại, nếu không tuơng tự thì không áp dụng.

Thực tiễn xét xử một loại các vụ việc cụ thể, thể hiện trong các bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cao cấp nhất xử, được tập hợp thành các tập án lệ. Thực chất án lệ là sự vận dụng, áp dụng pháp luật thực định vào các trường hợp cụ thể, có tác dụng giúp việc tìm hiểu pháp luật, rèn luyện tư duy pháp lý. Trường hợp mà điều luật quy định không rõ, không đầy đủ thì án lệ là sự giải thích, bổ sung. Về nguyên tắc, án lệ không được coi là pháp luật. Nhưng do uy tín của toà án cao cấp, hoặc ở trường hợp có thiếu sót của luật như nói trên, án lệ trở thành căn cứ cho hoạt động xét xử của các tòa án đối với các vụ án tương tự.

Quy định của pháp luật về áp dụng án lệ tại Việt Nam:

Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết 04/2019 ngày 18/06/2019 quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có một số thay đổi so với nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP.

Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 04/2019 quy định về việc áp dụng án lệ trong xét xử cụ thể thời hạn áp dụng án lệ là sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Ở Việt Nam án lệ đã xuất hiện từ rất lâu, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung thì tính đến nay, Việt Nam đã có 29 án lệ.