THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT VÀ TRƯỜNG HỢP CHIA DI SẢN THỪA KẾ KHI MỘT TRONG CÁC THỪA KẾ ĐÃ CHẾT

Trong cuộc sống có nhiều trường hợp một người đột ngột qua đời và để lại một phần tài sản mà không có di chúc. Lúc này, trong gia đình thường xảy ra tranh chấp làm rạn nứt tình cảm gia đình và làm mai một truyền thống tốt đẹp của dân tộc chính vì vậy pháp luật đã có những quy định về việc thừa kế trong trường hợp người chết không để lại di chúc. Vậy thừa kế theo pháp luật là gì? Và khi một trong các thừa kế đã chết thì phần di sản đó được xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Vậy trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật?

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 BLDS 2015:

  • Không có di chúc
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, liên quan đến cơ quan tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Ai là người được hưởng thừa kế theo pháp luật?

Người thừa kế theo pháp luật được gồm 03 hàng thừa kế:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú  ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang bằng nhau.

Chia di sản thừa kế khi một trong các thừa kế đã chết:

  • Trường hợp người thừa kế chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản:

Theo quy định tại Điều 652 BLDS 2015 thì trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Ví dụ: B có 03 người con là A, AB, AC, trong một lần đi chơi từ TH về DT thì A và B xảy ra tai nạn và hai  người cùng chết (theo xác nhận của bệnh viện A và B chết cùng thời điểm). B chết để lại tài sản trị giá 1 tỷ đồng. A có hai con là C và D. Vì tai nạn giao thông nên khi chết B không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật thì A, AB, AC là những người được hưởng di sản thừa kế của B. Tuy nhiên, trong tình huống này A chết cùng thời điểm với B nên theo quy định của pháp luật thì C và D là những người được thế vị A hưởng phần di sản thừa kế do B để lại.

  • Trường hợp người thừa kế chết sau thời điểm người để lại di sản chết:

Theo quy định của pháp luật thì tại thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản thì người thừa kế vẫn còn sống, nên người thừa kế có quyền hưởng di sản đó. Tuy nhiên khi các đồng thừa kế tiến hành chia di sản thì người thừa kế đó đã chết nên không thể nhận phần di sản đó. Lúc này các thừa kế theo pháp luật của người thừa kế đã chết sẽ được hưởng phần di sản mà người thừa kế đã chết được hưởng từ người để lại di sản.

Ví dụ: A và B có  05 người con gồm C, D, E, F, G, năm 2000 A mất không để lại di chúc. A có một mảnh đất diện tích 200 m2 là tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định của pháp luật thì di sản mà A để lại là ½ diện đất trong khối tài sản chung của vợ chồng. Vì A mất không để lại di chúc nên B và C, D, E, F, G là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của A. Năm 2010, C bị tai nạn mất. C có vợ là CH, và 02 con là CF, CE. Năm 2012, các đồng thừa kế là B, D, E, F, G muốn bán mảnh đất do A để lại vậy trong trường hợp này C có được hưởng thừa kế hay không?

Trong trường hợp này C đã mất tuy nhiên lúc ông A để lại di sản thừa kế C còn sống vì vậy C vẫn được hưởng phần tài sản do ông A để lại, trước thời điểm C mất vì các đồng thừa kế chưa tiến hành phân chia di sản nên C không thể nhận phần di sản đó nhưng theo quy định của pháp luật thì phần tài sản đó đã thuộc quyền sở hữu của C vì vậy khi C mất thì những người thuộc hàng thừa kế của C được hưởng phần di sản đó. Trong trường hợp này B, CH, CF, CE là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của C vì vậy được hưởng phần di sản mà C để lại là phần tài sản mà C được thừa kế từ A.