MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 SO VỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2014

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 SO VỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2014

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021 đã có nhiều thay đổi so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhằm mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm thay đổi quan trọng liên quan nhiều đến việc quản trị, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1. Về việc bỏ quyền tố cáo của doanh nghiệp:

1.1.   Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, LDN năm 2020 đã bỏ quyền “tố cáo” của doanh nghiệp cho thống nhất với quy định của Luật Tố cáo năm 2018.

1.2.   Một số LDN trước đây quy định một trong các quyền của doanh nghiệp là quyền “Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Trong khi đó theo các Luật Tố cáo, thì chỉ cá nhân, chứ pháp nhân không có quyền tố cáo. Doanh nghiệp hay pháp nhân chỉ có quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại.

2. Về chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp:

2.1.   LDN trước đây chỉ quy định Doanh nghiệp phải lưu giữ một số tài liệu, trong đó “biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị”.

2.2.   Điểm d khoản 1 Điều 11 LDN 2020 về “Chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp”, đã mở rộng hơn, quy định phải lưu giữ cả “Phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu” các cuộc họp này.

3. Về Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

3.1.   LDN năm 2014 chỉ quy định “Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”.

3.2.   Khoản 2 Điều 12 LDN 2020 về “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”, quy định cụ thể hơn: “Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

4. Về Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp:

4.1.   “LDN năm 2020 đã bỏ toàn bộ quy định tại Điều 12 về “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”.

4.2.   Theo đó, doanh nghiệp không còn phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây: Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

5. Về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử:

5.1.   Nghị định về đăng ký doanh nghiệp trước đây quy định nộp hồ sơ đăng ký điện tử, nhưng sau đó vẫn phải nộp bản giấy và khi có sự khác nhau thì bản giấy có giá trị hơn. Như vậy thì thực chất chỉ là việc “giữ chỗ” điện tử, còn đăng ký vẫn chỉ là dùng bản giấy.

5.2.   Điều 26 về “Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, việc đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo một trong 3 phương thức, trong đó có “Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ thể hiện dưới dạng văn bản điện tử và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

6. Về dấu của doanh nghiệp:

6.1.   Điều 43 LDN 2020 về “Dấu của doanh nghiệp”, quy định như sau:

1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

6.2.   So với LDN năm 2014 có một số thay đổi như sau:

Thứ nhất, thay “con dấu” bằng “dấu” và ngoài con dấu vật lý như cũ, thì có thêm dấu dưới hình thức chữ ký số;

Thứ hai, có thêm quy định “làm tại cơ sở khắc dấu; 

Thứ ba, bỏ quy định con dấu bắt buộc phải có 2 nội dung là tên và mã số doanh nghiệp;

Thứ , bỏ quy định phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng;

Thứ năm, bỏ quy định việc đóng dấu theo thoả thuận;

Thứ sáu, bỏ quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành.

6.3.    Như vậy, gần như không còn bất cứ quy định bắt buộc nào về con dấu, ngoài việc “sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật. Không hình thức, không nội dung, không thủ tục, thì việc đóng hay không đóng dấu trở thành hoàn toàn vô nghĩa lý. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chỉ cái lô gô trên giấy cho rằng đã sử dụng con dấu nếu như pháp luật có quy định phải đóng dấu.

7. Về thời hạn góp vốn thành lập công ty:

7.1.    Khoản 2, Điều 47 về “Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp”, LDN 2020 ngoài quy định như cũ về thời hạn góp vốn thành lập công ty là 90 ngày, thì còn quy định mới là “không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản”. Tương tự là quy định tại khoản 2 Điều 75 về “Góp vốn thành lập công ty” và khoản 1 Điều 113 về “Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp”. Luật không quy định thời hạn tối đa. Như vậy, thì có thể dẫn đến tình trạng vô thời hạn vẫn chưa thực hiện xong việc góp vốn mà vẫn hợp pháp.

7.2.  Khoản 4 Điều này quy định “Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp”. Thời hạn 30 ngày trong đoạn này, trước đây là 60 ngày theo quy định tại khoản 4, Điều 48 về “Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp”, LDN năm 2014.

8. Về cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên:

8.1.    Khoản 1 Điều 54 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty”, LDN năm 2020 quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”. Đã bỏ quy định tại Điều 55 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty”, LDN năm 2014 là “Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát”.

8.2.   Khoản 2 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì phải thành lập Ban kiểm soát.

9. Về việc ký Biên bản họp công ty:

9.1.   Khoản 3, Điều 60 về “Biên bản họp Hội đồng thành viên”, LDN năm 2020 quy định “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự họp ký”. Tương tự là quy định tại khoản 1, Điều 150 về “Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông”: “Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp”. Và quy định tại khoản 2, Điều 158 về “Biên bản họp Hội đồng quản trị”: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì “tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký”.

9.2.    Các quy định này khác với quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 61 về “Biên bản họp Hội đồng thành viên” và Điều 146 về “Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông”, điểm i, khoản 1, Điều 154 về “Biên bản họp Hội đồng quản trị”, LDN năm 2014 là Biên bản họp có “Họ, tên, chữ ký của người ghi biên bản và chủ tọa cuộc họp”.

10. Về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu

         Khoản 1, Điều 79 về “Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu” quy định tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình có Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng thành viên cùng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

         Như vậy, đã bỏ quy định công ty phải có kiểm soát viên như khoản 1 Điều 78 LDN năm 2014.

11. Về thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên:

11.1.  Khoản 6, Điều 80 về “Hội đồng thành viên”, LDN năm 2020 quy định “Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành”.

11.2.  Khoản 6, Điều 79, LDN năm 2014 thì chỉ quy định “được thông qua khi có hơn một nửa số thành viên dự họp tán thành”. Quy định này là không hợp lý trong trường hợp số thành viên đại diện cho số vốn khác nhau.

12. Về nhiệm kỳ của Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng thành viên:

         Khoản 3, Điều 91 về “Hội đồng thành viên”, LDN năm 2020 quy định Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên không quá 02 nhiệm kỳ tại một công ty, trừ trường hợp đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.

        Như vậy so với LDN năm 2014 thì đã bổ sung quy định có thể bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ 3.

13. Về Trưởng Ban kiểm soát

13.1.  Khoản 2 Điều 103 về “Ban kiểm soát, Kiểm soát viên”, LDN năm 2020 quy định “Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước”.

13.2.  Khác với quy định trước đây tại khoản 1, Điều 105 về “Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên”, “Trưởng Ban kiểm soát làm việc chuyên trách tại công ty”, tức là có thể hiểu chỉ được làm việc tại một công ty.

14. Về Quyền của cổ đông phổ thông:

         Các khoản 2 và 3 Điều 115 về “Quyền của cổ đông phổ thông”, LDN năm 2020 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty một số quyền mà theo luật cũ thì phải “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng”.

         Điều này nhằm tăng quyền của cổ đông nói chung và giúp cho việc bảo vệ cổ đông nhỏ lè, thiểu số tốt hơn.

15. Về chào bán cổ phần:

         LDN năm 2020, ngoài Điều 123 về “Chào bán cổ phần”, đã bổ sung thêm 2 điều khác về chào bán cổ phần (Điều 124 về “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu” và Điều 125 về “Chào bán cổ phần riêng lẻ”.

        Trong đó quy định cụ thể về 2 điều kiện là: “Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng” và “Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

16. Về chào bán trái phiếu:

16.1.  LDN năm 2020 đã quy định 3 điều về phát hành trái phiếu, đó là Điều 128 về “Chào bán trái phiếu riêng lẻ”, Điều 129 về “Trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ”, Điều 130 về “Quyết định chào bán trái phiếu riêng lẻ”. LDN năm 2014 chỉ quy định 1 Điều 127 về “Phát hành trái phiếu”.

16.2. Trong đó, khoản 2, Điều 128 quy dịnh, “Chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng là chào bán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đáp ứng điều kiện về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ như sau”: “Nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ;” và “Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác”.

17. Về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần:

         Khoản 1 Điều 137 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần”, LDN năm 2020 quy định, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

Thứ hai, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty.

Theo quy định tại Điều 161 về “Ủy ban kiểm toán”, thì “Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành”.

         Quy định “Ủy ban kiểm toán” trong trường hợp thứ 2 nêu trên đã thay thế cho quy định “Ban kiểm toán nội bộ” tại điểm b, khoản 1, Điều 134 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần”, LDN năm 2014.

18. Về quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông:

18.1.  Khoản 2 Điều 138 về “Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông”, LDN  năm 2020 đã bổ sung 2 quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông là: “Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát” và “Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết”.

18.2. Các quy định trên không có trong Điều 135 về “Đại hội đồng cổ đông”, LDN 2014 nhưng đã có trong quy định đối với các công ty đại chúng.

19. Về việc gia hạn các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

19.1.  Khoản 2, Điều 139 về “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2020 quy định “Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

19.2.  Khoản 2, Điều 136 về “Thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2014 quy định “Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

20. Về thời hạn lập danh sách cổ đông có quyền dự họp:

20.1.  Khoản 1 Điều 141 về “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2020 quy định “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn”. Như vậy thời hạn được xác định cả theo Luật và Điều lệ đều không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời.

20.2.  Khoản 1, Điều 137 về “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2014 quy định: “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn”. Như vậy quy định này là mâu thuẫn giữa thời hạn được xác định theo Luật là không quá 05 ngày, nhưng Điều lệ lại có thể quy định quá 05 ngày trước ngày gửi giấy mời.

21. Về thời hạn mời họp Đại hội đồng cổ đông:

21.1.  Khoản 1, Điều 143 về “Mời họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2020 quy định “Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn”.

21.2. Khoản 1, Điều 139 về “Mời họp Đại hội đồng cổ đông” LDN năm 2014 quy định “Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn”. Như vậy, quy định mới tăng lên 11 ngày so với quy định cũ.

22. Về việc uỷ quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông:

22.1. Các khoản 1 và 2, Điều 144 về “Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2020 quy định cổ đông có thể ủy quyền bằng“văn bản cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác dự họp”.

22.2.  Khoản 1, Điều 140 về “Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2014 quy định, cổ đông chỉ được ủy quyền bằngvăn bản theo mẫu do công ty phát hành cho một người khác dự họp”. Như vậy, theo quy định mới thì cổ đông có thể uỷ quyền cho nhiều người thay vì chỉ cho một người và văn bản uỷ quyền làm theo quy định của pháp luật, thay vì phải theo mẫu của công ty.

23. Về các tỷ lệ có mặt và biểu quyết 50 và 51%:

23.1.  Khoản 1, Điều 145 về “Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông”, LDN năm 2020 quy định “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. Quy định này đã sửa tỷ lệ “từ 51% trở lên” thành “trên 50%”, tương tự trong một số quy định khác.

23.2. Việc các LDN trước đây thường quy định tỷ lệ tối thiểu từ 51% trở lên là không dựa trên nguyên lý quá bán. Tuy nhiên, LDN năm 2020 vẫn không sửa hết, mà vẫn còn quy định từ 51% trở lên, như khi quy định một trong các tiêu chí mà doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng là “Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký” tại điểm c, khoản 1, Điều 10 về “Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội” hay “giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên” tại điểm b, khoản 3, Điều 167 về “Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan”.

24. Về thư ký công ty:

24.1.  Khoản 5, Điều 156 về “Chủ tịch Hội đồng quản trị”, LDN năm 2020 quy định “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm thư ký công ty”. Thư ký công ty được coi như một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần được luật quy định có môt số quyền và nghĩa vụ.

24.2.  Quy định trên khác với quy định tại khoản 5, Điều 152 về “Chủ tịch Hội đồng quản trị”, LDN năm 2014: “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị tuyển dụng thư ký công ty để hỗ trợ Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị thực hiện các nghĩa vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”. Tuy nhiên, Luật 2020 không hợp lý khi quy định Thư ký công ty trong điều quy định về Chủ tịch Hội đồng quản trị và quy định “bổ nhiệm thư ký”.

25. Về Trưởng Ban kiểm soát công ty cổ phần:

25.1.  Khoản 2, Điều 168 về “Ban kiểm soát”, LDN năm 2020 quy định “Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn”.

25.2.  Khoản 2, Điều 163 về “Ban kiểm soát”, LDN năm 2014 quy định “Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn”. Như vậy, Luật mới đã bỏ 2 quy định về tiêu chuẩn chặt chẽ và phải làm việc chuyên trách của Trưởng Ban kiểm soát.