XỬ LÍ DI SẢN THỪA KẾ TRONG TRƯỜNG HỢP DI CHÚC BỊ THẤT LẠC, BỊ HƯ HỎNG.

MẪU VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

         Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

          Trên thực tế vì những nguyên nhân nhất định thì có thể có trường hợp di chúc bị hư hỏng, thất lạc, mất nên pháp luật dân sự có quy định về trường hợp di chúc bị thất lạc, hư hỏng tại Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

  1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
  2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
  3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

          Theo quy định trên thì tùy theo mức độ hư hại của di chúc thì nếu di chúc vẫn có thể đọc được nội dung thì di sản thừa kế vẫn chia theo di chúc.

          Di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại tại thời điểm mở thừa kế được coi không có di chúc. Bởi vì khi di chúc bị thất lạc hoặc bi hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc. Trong trường hợp này, di sản của người thừa kế được chia theo pháp luật căn cứ theo Điều 651 BLDS 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

          Nếu tại thời điểm chia di sản  mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

          Trong trường hợp nếu di sản đã chia thừa kế theo pháp luật, mà tìm thấy bản di chúc bị thất lạc, thì có thể xảy ra 3 khả năng:

+  Nếu người thừa kế theo di chúc không yêu cầu chia lại di sản, nghĩa là đồng ý với việc phân chia theo pháp luật trước đó, thì xem như không có di chúc và không cần chia lại di sản.

+  Nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu chia lại di sản theo nội dung di chúc tìm thấy nhưng thời điểm này đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản (30 năm đối với bất động sản; 10 năm đối với động sản – Điều 623 BLDS 2015) thì cũng không tiến hành chia lại di sản.

+  Nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu chia lại di sản theo nội dung di chúc tìm thấy và vẫn còn trong thời hiệu yêu cầu chia di sản thì phải chia lại di sản theo di chúc.