NHÃN HIỆU VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Thị trường ngày càng phát triển, một doanh nghiệp muốn tồn tại và cạnh tranh thì cần phải xây dựng cho mình thương hiệu riêng tạo dấu ấn với người tiêu dùng. Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp mình, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú ý đến việc bảo vệ nhãn hiệu của mình. Thực tế, trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp mình là một vấn đề cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vậy Nhãn hiệu là gì? Pháp luật quy định như thế nào về thủ tục đăng ký nhãn hiệu?

Nhãn hiệu là dấu hiệu dung để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức khác nhau.

Đặc điểm nhãn hiệu:

– Là dấu hiệu nhìn thấy được: tức nhãn hiệu phải được người tiêu dùng bằng thị giác của mình nhìn nhận được để phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân khác. Do đặc điểm này nên các dấu hiệu được sử dụng các dấu hiệu mà người tiêu dùng chỉ cảm nhận được bằng khứu giác hay thính giác thì không được công nhận là nhãn hiệu.

– Là dấu hiệu có khả năng phân biệt: nhãn hiệu phải có tác dụng và thể hiện chức năng của mình là phân biệt, nếu nhãn hiệu gây hiểu nhầm, nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ thì không thể được chấp nhận đăng ký bảo hộ.

Phân loại nhãn hiệu:

– Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu là các thành viên của tổ chức sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ không phải của tổ chức đó.

– Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu được sử dụng với mục đích chứng nhận các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ, như là nguyên vật liệu làm ra hàng hóa, nguồn gốc của hàng hóa, cách thức sản xuất, chất lượng của sản phẩm,….

– Nhãn hiệu liên kết: là nhãn hiệu dùng cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tính chất tương tự nhau, cùng loại hoặc có liên quan với nhau, có thể có các yếu tố trùng hoặc tương tự nhau và do một chủ thể đăng ký.

– Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi, công khai và được tất cả người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí người tiêu dùng nước ngoài biết đến.

Thời gian bảo hộ nhãn hiệu:

Nhãn hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Doanh nghiệp được gia hạn văn bằng bảo hộ và không hạn chế số lần gia hạn. Vì vậy, nhãn hiệu sẽ là tài sản xuyên suốt quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu:

1. Quyền đăng ký nhãn hiệu:

a.Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

b. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

2. Nhóm đăng ký nhãn hiệu:

Có 45 Nhóm được quy định tại Danh mục hàng hóa dịch vụ Ni-xơ 11-2018.

Khi cá nhân/tổ chức đăng ký nhãn hiệu đối với nhóm nào thì nhà nước sẽ bảo hộ độc quyền trong phạm vi nhóm đó.

Cá nhân/tổ chức dựa trên lĩnh vực hoạt động để xác định nhóm cần đăng ký. Vì đây là quyền lợi của cá nhân/tổ chức nên cá nhân/tổ chức có thể đăng ký 01 nhãn hiệu đối với 01 hoặc nhiều nhóm dựa trên nhu cầu và khả năng của mình.

3. Điều kiện về nhãn hiệu (thương hiệu, logo) được đăng ký:

Nhãn hiệu (hình ảnh, tên thương hiệu) không bị trùng, tương tự với các nhãn hiệu khác đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc trùng, tương tự với các nhãn hiệu nổi tiếng

4. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu:

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu 04-NH quy định tại Phụ lục A Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

– 09 mẫu nhãn hiệu giống nhau được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm, không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm…

– Chứng từ chứng minh đã nộp phí, lệ phí.

– Giấy ủy quyền trong trường hợp người làm thủ tục không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu.

5. Quy trình đăng ký nhãn hiệu:

Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định như sau:

– Thẩm định hình thức: Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn

– Công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận về mặt hình thức.

– Thẩm định về nội dung: Trong thời hạn 09 tháng, kể từ ngày được công bố trên Công báo.

– Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Trong 01 – 02 tháng, kể từ ngày có thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận.