QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Theo Luật Tố tụng Hành chính số 93/2015/QH13 quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”

Tại khoản 1 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

  • 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc
  • 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
  • Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Như vậy, về cơ bản thời hiệu khởi kiện hành chính được chia làm hai trường hợp: một là những chủ thể thực hiện khởi kiện hành chính trực tiếp và trước đó chưa từng làm thủ tục khiếu nại hành chính, hai là những chủ thể trước khi khởi kiện hành chính đã từng tiến hành khiếu nại hành chính.

Đối với trường hợp 1, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính như quy định tại khoản 1 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Ví dụ:

1. Ngày 28/11/2017 ông B nhận được Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của Ủy ban nhân dân Quận B về việc cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho ông với diện tích 100 m2. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông B đối với quyết định số19/QĐ-UBND là kể từ ngày ông B nhận được quyết định đó (28/11/2011).

2. Sau khi nhận được Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông B đã xây dựng tường bao quanh diện tích đất vừa được cấp. Ông A là hàng xóm của ông B cho rằng ông B đã xây dựng tường bao lên cả phần diện tích đất của mình. Ngày 01/12/2017 ông B đã đưa cho ông A xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B và ông A thấy rằng một phần diện tích mà ông B được cấp là phần diện tích đất của ông A. Trong trường hợp này thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là: ngày 01/12/2017 (ngày ông A biết được quyết định hành chính)

Còn với trường hợp 2, thời hiệu được tính như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời cho người khiếu nại hoặc không giải quyết.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại 2011: thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Theo quy định tại Điều 28 – Luật Khiếu nại năm 2011: thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Theo quy định tại Điều 37 – Luật Khiếu nại năm 2011: thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ví dụ: Ngày 12/4/2017 không đồng ý với Quyết định thu hồi đất của UBND huyện B, bà Nguyễn Thị A đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND huyện B để giải quyết, tuy nhiên ngày 28/5/2017 (hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật đối với vụ việc phức tạp) bà A không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện B.

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là: ngày 28/5/2017  (ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại)