CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG: QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT

     Tai nạn trong lao động là điều không ai mong muốn, tuy nhiên những rủi ro vẫn luôn hiện hữu và và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người lao động. Khi tai nạn lao động xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn có tác động tiêu cực đến cuộc sống của gia đình người lao động, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Chính vì điều này, Nhà nước ta đang có nhiều chính sách nhằm bảo vệ người lao động, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, trong đó chế độ tai nạn lao động đang trở thành chính sách an sinh xã hội hữu ích hiện nay.

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc. (Khoản 1 Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động).

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:

  • Bị tai nạn:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Quyền lợi của người bị tai nạn lao động:

Thứ nhất, được người sử dụng lao động trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết, không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian điều trị, được người sử lao động bồi thường nếu lỗi thuộc về người sử dụng lao động; trường hợp bị tai nạn lao động không do lỗi của người sử dụng lao động thì được trợ cấp.

Điều 144 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động:
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. 
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Thứ hai, được hưởng trợ cấp theo quy định của chế độ tai  nạn lao động từ Bảo hiểm xã hội. Trường hợp thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì người sử dụng lao động phải trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động.

Điều 46. Trợ cấp một lần (Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Điều 47. Trợ cấp hằng tháng (Luật bảo hiểm xã hội 2014)

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

     Nhà nước đã và đang tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Vì vậy, đừng vì ở vị thế yếu hơn mà từ bỏ quyền và lợi ích chính đáng của mình, tìm hiểu quy định của pháp luât và tham vấn ý kiến luật sự sẽ cho bạn giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của chính mình.